LOGO-SAIGONTODAY - LAM VIEC TU TE final

QR CODE 2

NHỮNG CUỘC GỌI TỪ GIA ĐÌNH: ẤM ÁP NHƯNG ĐÔI KHI PHIỀN TOÁI VỚI CON TRẺ

Đã bao lâu rồi bạn chưa nhận được cuộc gọi từ gia đình? Hay những cuộc gọi ấy vẫn diễn ra thường xuyên. Nhiều bạn trẻ luôn ao ước được nhận những cuộc gọi từ mẹ, từ gia đình. Thế nhưng, với nhiều người, đôi khi cuộc gọi từ gia đình là khiến họ cảm thấy phiền hà. Vậy cuộc gọi của gia đình là áp lực, nỗi sợ hãi vô hình hay là sự ấm áp với con trẻ?

 

nhung-cuoc-goi-tu-gia-dinh-am-ap-nhung-doi-khi-phien-toai-voi-con-tre-b9be022e

 

Phiền toái mỗi khi nhận những cuộc điện thoại dày đặc từ bố mẹ

 

Bao nhiêu năm sống cạnh bố mẹ, luôn bị kiểm soát hay được sự đồng ý của phụ huynh mới được ra ngoài tụ tập cùng bạn bè. Đặc biệt, nhiều gia đình còn đặt ra giờ giới nghiêm đối với các con. Chính vì vậy mà không thể tránh khỏi những tình huống khi đang vui bên bạn bè thì “đứt dây đàn” vì cuộc gọi bắt về của bố mẹ. Do đó, khi lớn hơn, bắt đầu xa nhà học tập, làm việc, nhiều bạn trẻ cảm thấy hạnh phúc vì từ nay đã thoát khỏi sự “quản giáo” của gia đình. Lúc này, con trẻ không còn bị bố mẹ thúc giục, yêu cầu làm điều này hay điều kia cũng chẳng thể cấm cản những cuộc vui như trước. Với nhiều người, đó là một cảm giác thật tuyệt vời mà chưa từng có trước đây.

 

nhung-cuoc-goi-tu-gia-dinh-am-ap-nhung-doi-khi-phien-toai-voi-con-tre-d7386440

 

Tuy nhiên, con cái xa nhà, làm cha, làm mẹ ai cũng sẽ cảm thấy lo lắng, không biết con sống thế nào, có lo được cho chính mình hay không. Và đó chính là lý do cho những cuộc gọi thường trực từ gia đình. Mỗi ngày, bố mẹ đều hỏi những câu quen thuộc như: “Con ăn cơm chưa?”, “Hôm nay có mệt không?”, “Nay làm gì rồi?”,... Ban đầu, con trẻ có thể vui với sự quan tâm đó. Thế nhưng, khi đã quen với cuộc sống xa nhà, quen với guồng quay của cuộc sống, con trẻ bỗng cảm thấy chán ngán khi mỗi ngày đều nhận được những câu hỏi lặp đi lặp lại. 

 

nhung-cuoc-goi-tu-gia-dinh-am-ap-nhung-doi-khi-phien-toai-voi-con-tre-1b9c5759

 

Đôi khi đang trong cuộc vui với bạn bè mà nhận được cuộc gọi từ bố mẹ, những đứa con bỗng cảm thấy nó thật phiền toái và tốn thời gian. Nếu có nghe điện thoại, câu trả lời mà bố mẹ thường được nghe là: “Con đang bận lắm. Tý con gọi lại”, “Thôi nhé, con cúp máy đây. Con đang bận” hay là bực bội khó chịu hỏi “Sao bố mẹ gọi con nhiều vậy”,... Bố mẹ đã dành gần như cả cuộc đời trả lời vô vàn thắc mắc của con. Thế nhưng, khi những đứa trẻ lớn lại chẳng nguyện ý nghe bố mẹ dông dài thêm đôi câu.

 

Nhưng có lẽ, tất cả là chỉ bởi vì những đứa trẻ giờ mới đang tập làm người lớn, mới được tự quyết định những gì của bản thân mình, được làm mọi thứ theo ý thích. Bên cạnh đó, người trẻ cũng dần có nhiều mối quan hệ hơn, từ bạn bè, đồng nghiệp, người yêu… nên quỹ thời gian một ngày dường như đã bị chiếm hết. 

 

Nỗi sợ vô hình đến từ cuộc gọi điện thoại từ gia đình

 

Có đôi khi, con trẻ không hề cảm thấy phiền toái khi bố mẹ gọi đến mà chỉ bởi vì chúng đã quá mệt mỏi khi phải vật lộn với cuộc sống này. Rời xa vòng tay của gia đình, những đứa con phải học cách sống tự lập, đối mặt với mọi vấn đề. Lúc nào chúng cũng muốn khẳng định bản thân, muốn bố mẹ tự hào về mình. Có lẽ vì vậy mà khi vẫn còn đang ngụp lặn trong guồng quay cuộc sống, người trẻ bỗng cảm thấy hổ thẹn khi bố mẹ vẫn ngày ngày quan tâm, còn mình lại chưa đạt được thành tựu gì nổi bật. 

 

nhung-cuoc-goi-tu-gia-dinh-am-ap-nhung-doi-khi-phien-toai-voi-con-tre-f54144d0

 

“Mình chỉ muốn làm bố mẹ tự hào hơn một chút thôi”. Đó là câu nói của cô bạn Hoàng Lan khi nghẹn ngào tâm sự với chúng tôi về lý do cảm thấy áp lực khi thấy bố mẹ gọi. Lan cho biết để mình được ra Hà Nội học, bố mẹ cô đã phải bán vội một con trâu, số tiền tích lũy bao lâu cũng gói ghém cho con đem theo để lên thành phố. Chính vì vậy, khi thấy mọi người xung quanh thành công còn mình vẫn đang chênh vênh, Lan cảm thấy xấu hổ, không dám nghe điện thoại từ bố mẹ mà chỉ vội vã nói một câu bận rồi cúp máy. 

 

nhung-cuoc-goi-tu-gia-dinh-am-ap-nhung-doi-khi-phien-toai-voi-con-tre-659a600b

 

Không chỉ cảm thấy áp lực, những người con xa nhà còn có một nỗi sợ vô hình khi thấy cuộc gọi từ gia đình. Đặc biệt là những hồi chuông gấp gáp vang lên giữa đêm. Bởi lẽ, họ sợ rằng bố mẹ đang xảy ra chuyện gì, bản thân lại ở xa, vội vã về đôi khi lại chẳng còn kịp nữa. 

 

Sau cùng, gia đình vẫn là nơi ấm áp nhất

 

Sau khi đã mệt nhoài với những cuộc chơi, những áp lực trong công việc, con trẻ bỗng muốn tìm về một nơi yên bình, vỗ về tâm trạng. Đó chính là những câu hỏi han đơn giản của bố mẹ. Bởi lẽ, sau ngần ấy thời gian, chẳng có ai quan tâm con từ những thứ nhỏ nhặt nhất như bố mẹ. Lúc này, con trẻ chỉ muốn sau một ngày dài mệt nhoài được cầm điện thoại lên, gọi về nhà và kể cho bố mẹ ti tỉ những điều nhỏ nhặt xảy ra trong ngày. Có lẽ, sau rất nhiều lần con cái bảo “bận” rồi cúp máy lập tức, bố mẹ cũng buồn, cũng tủi nhưng rồi lại cười xòa bỏ qua chỉ bởi vì trong lòng bố mẹ, con mãi mãi là đứa trẻ con. 

 

nhung-cuoc-goi-tu-gia-dinh-am-ap-nhung-doi-khi-phien-toai-voi-con-tre-dcd73891

 

Nhiều bạn trẻ áp lực, sợ mình thua kém bạn bè sẽ khiến bố mẹ xấu hổ nên chẳng dám nghe điện thoại, chẳng dám gọi về. Thế nhưng, điều quan trọng nhất với bố mẹ chính là hạnh phúc của con chứ chẳng phải bất kỳ điều gì xa vời khác. Hơn thế nữa, bố mẹ gọi điện thoại cũng chỉ vì muốn đảm bảo rằng con vẫn khỏe mạnh, vẫn vui vẻ chứ không hề có ý kiểm soát con.

 

nhung-cuoc-goi-tu-gia-dinh-am-ap-nhung-doi-khi-phien-toai-voi-con-tre-a714420c

 

Hy vọng mỗi người trẻ chúng ta đừng bao giờ cảm thấy phiền toái khi màn hình điện thoại hiện lên cuộc gọi từ gia đình. Bởi vì có rất nhiều người ngoài kia mong được nhận những cuộc gọi ấy mà chẳng còn cơ hội. Cũng đừng lấy lý do bận rộn mà phớt lờ bố mẹ. Thời gian của bố mẹ có hạn, chúng ta còn trẻ nhưng họ thì đã già, hãy quan tâm bố mẹ khi còn có thể. 

 

Kim Anh - Theo Thể Thao & Văn Hóa

CÔNG TY CỔ PHẦN TRUYỀN THÔNG SÀI GÒN TODAY

Địa chỉ: 331/38/10 Phan Huy Ích, phường 14, quận Gò Vấp, TP.HCM

Hotline: 028.6272.3288

Email: [email protected]

Hồ sơ năng lực: Tải ngay

QR CODE 3 Nho